Diện tích thông thủy là định nghĩa không còn xa lạ đối với những người đã và đang làm trong ngành xây dựng hoặc kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thuật ngữ này còn khá xa lạ với nhiều người? Vậy diện tích thông thủy là gì? Cách tính diện tích thông thủy ra sao? Bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây của Cẩm Nang Mua Nhà.
Mục Lục
1. Diện tích thông thủy là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu diện tích thông thủy là gì, bạn cần phải hiểu thông thủy là gì trước. Thông thủy là một từ Hán – Việt, có nghĩa là nơi nước có thể chảy qua mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào. Vậy diện tích thông thủy là gì?
Diện tích thông thủy hay còn được gọi là diện tích sử dụng căn hộ, là phần diện tích bao gồm diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công hoặc logia (nếu có) gắn với căn hộ đó.

Diện tích thông thủy không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Ví dụ: Căn hộ của bạn là A, căn hộ của hàng xóm xung quanh là B và C. Căn hộ của gia đình bạn có 2 phòng ngủ, 1 phòng tắm, thì phần diện tích tường ngăn giữa 2 phòng này và tường ngăn phòng tắm bên trong căn hộ + ban công sẽ thuộc diện tích thông thủy.
Còn phần diện tích ngăn giữa căn hộ A của nhà bạn với căn hộ B, C của hàng xóm + diện tích sào có cột + hộp kỹ thuật bên trong căn hộ sẽ không thuộc diện tích thông thủy.

2. Cách tính diện tích thông thủy
Theo thông tư 03/2014/TT-BXD quy định rõ diện tích sử dụng căn hộ được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua là diện tích thông thủy.
Công thức tính diện tích thông thủy chuẩn nhất hiện nay:
Diện tích thông thủy = (a x b) + (c x d) – (∑ei + f)
Trong đó
- a, b là phần chiều dài và ngang bên trong căn hộ (tính từ phần tường mép trong).
- c, d là phần chiều dài và ngang của ban công, lô gia (nếu có).
- ∑ei là tổng diện tích của cột chịu lực bên trong căn hộ, i là số cột.
- f là diện tích sàn có hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ (thường căn hộ sẽ chỉ có một f, nếu có 2 f trở lên thì tính tổng như e ở trên.
Ví dụ:
a = 8,8m, b = 7m, c = 1,5, d = 5,5m, e = 0.8m2 – có 3e, f = 0.8m2
Áp dụng công thức cách tính diện tích thông thủy = (8,8 x 7) + (1,5 x 5,5) – [(0,8 x 3) + 0,8] = 61,6 + 8.25 – 3.2 = 66,65m2.

3. Mua bán căn hộ thì tính theo diện tích nào?
Tại Khoản 2, Điều 101 Luật Nhà ở năm 2014, diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong căn hộ thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ sẽ chỉ còn được tính theo kích thước thông thủy. Cách tính này là cách tính chuẩn nhất, bảo vệ quyền lợi tối đa cho người mua nhà cả về diện tích thực tế sử dụng lẫn phần diện tích để tính chi phí quản lý dịch vụ, vận hành của tòa nhà chung cư.
Luật Nhà ở quy định rõ, diện tích sử dụng căn hộ chung cư được tính theo kích thước thông thủy, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có) và phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ. Không tính hộp diện tích tường bao quanh căn nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích hộp kỹ thuật, sàn có cột bên trong căn hộ. Trong trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì sẽ tính từ mép trong của tường chung.
Tại Khoản 3, Điều 9, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư phải thể hiện cả diện tích sử dụng căn hộ và diện tích sàn xây dựng.

Trên đây là nội dung bài chia sẻ diện tích thông thủy là gì và cách tính diện tích thông thủy. Hy vọng rằng, bài viết của Cẩm Nang Mua Nhà đã cung cấp tới bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu rõ nhất về định nghĩa này.
Hãy dành thời gian theo dõi thêm nhiều bài viết khác tại website nhé.